Lịch sử Thống sứ Bắc Kỳ

Thống soái Bắc Kỳ và Tổng sứ Trung Kỳ - Bắc Kỳ

Ngay từ trước khi Pháp chiếm được Bắc Kỳ, họ đã ấn định vị "Thống soái Bắc Kỳ" để chỉ huy Quân đoàn viễn chinh Bắc Kỳ (corps expéditionnaire du Tonkin) mở cuộc xâm lăng. Hòa ước Quý Mùi năm 1883 chính thức buộc triều đình Huế nhận sự đô hộ của Pháp ở Bắc Kỳ. Chức vụ Tổng Công sứ Trung - Bắc Kỳ (Résident général de l'Annam et du Tonkin) hay Tổng Trú sứ Trung - Nam Kỳ được đặt ra để thay mặt cho chính phủ Pháp chủ trì mọi công việc đối ngoại của triều đình Việt Nam ở cả Bắc và Trung Kỳ. Tiếng Việt vào thời điểm Hòa ước Quý Mùi, 1883 được ký kết không quen dùng "trú sứ" hay "lưu trú quan" để dịch chữ résident, nhân lại sẵn có chữ consul nên mới gọi viên chức ấy là "công sứ".[1] Chức vụ này cũng thường được gọi rút ngắn là "Tổng sứ Trung - Bắc Kỳ" hay gọi là "Toàn quyền Lưỡng Kỳ" hoặc "Toàn quyền Trung – Bắc Kỳ". Năm 1885, tướng Philippe Marie André Roussel de Courcy được cử sang Việt Nam với quyền hạn cai quản cả Bắc lẫn Trung Kỳ. Năm sau đó, Paul Bert một viên chức dân sự được cử sang kế nhiệm.

Thống sứ Bắc Kỳ

Năm 1887 khi Liên bang Đông Dương hình thành thì chức vụ Toàn quyền Đông Dương được lập nên, nắm toàn quyền cai quản cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam KỳCao Miên; tới năm 1889 chức vụ Tổng sứ Trung Kỳ - Bắc Kỳ bị bãi bỏ. Trước đó, vào năm 1886, chức vụ Thống sứ Bắc Kỳ (Résident supérieur du Tonkin) và Khâm sứ Trung Kỳ (Résident supérieur de l’Annam) được đặt ra, khi đó còn dưới quyền trực tiếp của Tổng sứ. Người Pháp ép vua Đồng Khánh thành lập Nha Kinh lược sứ ở Bắc Kỳ, tách xứ này khỏi quyền kiểm soát trực tiếp của triều đình Huế. Về danh nghĩa, đứng đầu xứ này là viên chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ của triều đình Nhà Nguyễn (đầu tiên là Nguyễn Hữu Độ, rồi tới Nguyễn Trọng Hợp...); nhưng trên thực tế, quyền lực thuộc về Thống sứ Bắc Kỳ của người Pháp. Nha Kinh lược sứ ở Bắc Kỳ chỉ tồn tại tới năm 1897 rồi bị bãi bỏ, người cuối cùng đứng đầu Nha này là Hoàng Cao Khải.

Ở cấp thấp hơn, đứng đầu mỗi tỉnh ở cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ là Công sứ (Résident) và Phó sứ (Résident adjoint). Lúc bấy giờ trực tiếp dưới quyền Thống sứ Bắc Kỳ là ba công sứ (résident):

  1. Hải Phòng, giám sát thêm hai phó công sứ (vice-résident) ở Hải DươngTiên Yên
  2. Sơn Tây, giám sát thêm hai phó công sứ ở Tuyên QuangLào Cai
  3. Nam Định, giám sát thêm phó công sứ ở Ninh Bình.
  4. Thống sứ Bắc Kỳ còn điều hành ba phó công sứ ở Bắc Ninh, Lạng SơnThất Khê.[2]

Kể từ ngày 26 tháng 7 năm 1897, Thống sứ Bắc Kỳ kiêm nhiệm luôn việc đại diện cho triều đình Huế sau khi thực dân Pháp ép triều đình bãi bỏ chức Kinh lược sứ.[3] Địa vị này trên giấy tờ đặt viên thống sứ vào ngạch quan của triều đình Huế và có quyền cất chức hay bổ nhiệm toàn bộ phẩm trật các quan người Việt.[4]

Từ năm 1900, Thống sứ Bắc Kỳ kiêm luôn chức quản trị Quảng Châu Loan tuy đây là một nhượng địa riêng với hạn kỳ 99 năm.

Đối với Liên bang Đông Dương, Thống sứ Bắc Kỳ là một thành viên của Hội đồng Tối cao (Conseil supérieur) trợ lực cho Toàn quyền Đông Dương. Thống sứ cũng là vị chỉ huy lực lượng lính tập ở Bắc Kỳ.